“Dưới trướng Lý Uyên đúng là có không ít danh thần lương tướng. Lâm Bình An không nhịn được mà cảm thán.
Tại Thái Nguyên, Lâm Bình An đã gặp không ít tù binh, đều là những nhân vật có tên tuổi trong lịch sử, ví dụ như Lưu Văn Tĩnh, Bùi Tịch, Hứa Thế Tự, Lưu Hoằng Cơ v.v... Trong đó Bùi Tịch và Bùi Cử còn là họ hàng với nhau. Phần lớn những người này đều đã đầu hàng. Nhưng điều này cũng dễ hiểu, thời buổi này, làm việc cho ai mà chẳng là làm? Lý Uyên nào phải cha ruột họ. Chỉ là trước đây họ không thích thái độ quá hà khắc của Lâm Bình An đối với tầng lớp quý tộc và thế gia mà thôi. Nhưng đứng trước cái chết, tất cả những điều khác đều trở nên không quan trọng.
Lâm Bình An hỏi những thần tử đầu hàng này về cách trị lý Thái Nguyên và phòng bị Thổ Cốc Hồn (người Đột Quyết), ngoại trừ Bùi Tịch thì những người còn lại đều đưa ra được những kiến nghị khá tốt. Đặc biệt là Lưu Văn Tĩnh – quan lệnh Tấn Dương – vốn rất am hiểu Đột Quyết. Khi Lý Uyên cần kết giao với người Đột Quyết, y có thể thu xếp ổn thỏa; còn khi Lâm Bình An muốn tấn công người Đột Quyết, y cũng có thể đưa ra vài kế sách độc ác.
Thấy Lưu Văn Tĩnh có kinh nghiệm trong việc trị lý Thái Nguyên, Lâm Bình An liền giao y cho Thẩm Lạc Nhạn, để y hỗ trợ nàng làm tốt công tác an dân và tái thiết sau chiến tranh.
Còn Bùi Tịch thì lại hơi hữu danh vô thực. Lúc đầu Lâm Bình An còn tưởng y cố tình che giấu tài năng, nhưng sau đó phát hiện y thật sự chẳng có bản lĩnh gì, đã thế còn tham lam, mê cờ bạc. Bùi Tịch được Lý Uyên coi trọng là nhờ y lợi dụng chức phó giám cung Phần Dương, không chỉ dâng năm trăm cung nữ của cung Phần Dương cho Lý Uyên, mà còn biếu cả chín vạn hộc lương thực, năm vạn đoạn vải đủ màu và bốn mươi vạn bộ giáp trụ để Lý Uyên khởi binh dùng.