Những ngày tháng trôi qua chậm rãi.

Giống như vầng mặt trời luôn đến muộn, rõ ràng trời đã sáng từ sớm, nhưng nó cứ phải chờ thêm vài giờ mới lững thững leo lên đường chân trời.

Ở trong núi, nhịp thời gian của Chúc Kim Hạ cũng chậm lại.

Cô không còn cần phải dậy sớm tinh mơ, chen chúc trong dòng xe cộ giờ cao điểm để đến trường; không cần phải tranh thủ từng phút giây để luân chuyển giữa các cuộc họp hành chính và nhiệm vụ giảng dạy; không cần phải cuống cuồng sửa bài luận trước hạn chót, mệt mỏi với những kết quả nghiên cứu chẳng mấy giá trị học thuật; cũng không cần phải theo lệ hẹn hò hàng tuần với chồng, hoặc cuối tuần thăm hỏi đôi bên gia đình.

Ngoài núi, cô là cô giáo Chúc, là phó giáo sư Chúc, là vợ của Vệ Thành, là cháu gái của bà nội, là con dâu của bố mẹ chồng. Nhưng trong núi, cô chỉ đơn thuần là Chúc Kim Hạ.

Dường như thời gian ở trong và ngoài núi được đo lường bằng hai đơn vị hoàn toàn khác nhau.

Tại thôn Nghi Ba, cô có thể ngồi trước lò sưởi hàng giờ đồng hồ, tay cầm chén trà bơ, nhìn những bọt sữa sôi lăn tăn trong chiếc ấm bạc nhỏ.

Những buổi chiều không có tiết dạy, cô có thể nằm trên chiếc giường gỗ ọp ẹp trong căn nhà nhỏ trống vắng, mỗi lần trở mình, chiếc giường lại phát ra âm thanh kẽo kẹt. Bên ngoài cửa sổ là tiếng nước chảy không ngừng, mở mắt là trần nhà ẩm mốc, nhắm mắt lại là những giấc mộng ngọt ngào và yên tĩnh.

Cô sẽ vào bếp xem Độn Chu làm bánh đại mạch. Đôi tay sạm đen, thô ráp nhưng vô cùng khéo léo của chàng trai nhanh chóng biến những hạt lúa mạch trắng thành món ăn ngon lành.

Cô cũng thường ngồi lỳ trước bàn trà của Thời Tự, vừa nhâm nhi hạt dưa, vừa dõi mắt nhìn ra sân chơi ngoài cửa sổ, nơi mà những lớp học thể dục cứ lần lượt thay nhau, nhưng gương mặt rạng rỡ của lũ trẻ thì luôn không đổi.

Mặt trời nơi lưng chừng núi từ từ trèo lên, rồi lại chậm rãi lặn xuống, đường chân trời dài hẹp cũng chuyển từ màu xanh thẳm của biển sâu sang sắc cam đỏ của đuôi cá vàng.

Trong nhịp sống ấy, Chúc Kim Hạ dần quen với việc không sử dụng điện thoại, thậm chí có khi đi dạy sớm mà quên mang theo, cả ngày cũng không nhận ra.

Dù sao thì ai cần tìm cô, chỉ cần hét lên một tiếng “Chúc Kim Hạ”, trong lúc những chú chim trên cây bay tán loạn, những “chú chim nhỏ” trong sân trường cũng sẽ truyền tin đi khắp nơi.

Cũng vì thế, trong một ngày quên mang điện thoại, Chúc Kim Hạ đã bỏ lỡ 23 cuộc gọi từ Vệ Thành.

Đó là một ngày thứ Tư, một tuần sau khi cô tròn 29 tuổi.

Ngày 7 tháng 6, vốn là ngày cưới của cô và Vệ Thành, nhưng giữa núi non, chiếc kim đồng hồ của Chúc Kim Hạ đã ngừng lại, cô hoàn toàn quên mất chuyện này.

Cô cũng không hề biết rằng, thực ra vào đúng ngày sinh nhật của cô, Vệ Thành đã thức trắng đêm, cầm điện thoại loay hoay mãi, viết từng lời chúc mừng sinh nhật trong hộp thoại, nhưng cuối cùng lại cảm thấy mọi câu chữ đều quá gượng gạo, rồi lại từng chữ từng chữ xóa đi.

Anh lục lại những bài đăng trên mạng xã hội, mỗi năm vào ngày này họ đều bên nhau, chỉ riêng năm nay là khác biệt.

Trong hộp thoại, cuộc trò chuyện của họ vẫn dừng lại ở lời mỉa mai của anh dành cho bức thư mà Chúc Kim Hạ gửi.

Anh không hiểu vì sao họ lại rơi vào tình cảnh này, mọi thứ vốn dĩ vẫn ổn, bỗng một ngày tỉnh dậy, người bên cạnh như bừng tỉnh ngộ, không muốn tiếp tục duy trì hiện trạng.

Trước đây cũng không phải chưa từng cãi nhau, nhưng Chúc Kim Hạ là người ngoài lạnh trong nóng, cô mềm lòng, thậm chí vì thiếu tình thương mà có phần nhún nhường. Vì thế, mọi cuộc tranh cãi đều kết thúc bằng sự nhượng bộ lý trí của cô, bất kể ai đúng ai sai, cô luôn là người tích cực giao tiếp, so với cô, Vệ Thành mới là đứa trẻ bồng bột.

Nhưng anh đã quen với việc Chúc Kim Hạ luôn là người kiềm chế và điềm tĩnh. Anh nghĩ rằng họ đã quen với cách sống như vậy.

Anh tưởng lần này cũng sẽ như vậy, huống chi lần này anh đâu có làm sai điều gì, Vệ Thành nghĩ, đợi cô ấy nguôi giận, mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Ai ngờ, từ cãi vã lạnh lùng đến việc ly hôn, Chúc Kim Hạ dường như đã quyết tâm rời khỏi anh.

Tám năm trôi qua như vậy, giờ đây anh vẫn như cũ, nhưng cô thì đã thay đổi.

Vệ Thành là người hay trốn tránh, trong mối quan hệ này, anh chưa từng nắm quyền kiểm soát. Anh vẫn nuôi hy vọng, biết đâu một ngày nào đó mọi chuyện sẽ ổn? Chỉ cần anh không buông tay, mọi thứ sẽ có bước ngoặt.

Nhưng chớp mắt, Chúc Kim Hạ đã 29 tuổi, ngày cưới càng lúc càng gần, cô vẫn không thay đổi ý định.

Thời gian trên tờ lịch cứ trôi qua từng ngày, vào một ngày trước lễ cưới, Vệ Thành cuối cùng cũng không thể ngồi yên. Anh đã xin nghỉ phép cho ngày đặc biệt này từ lâu, dù Chúc Kim Hạ đã đề nghị ly hôn, anh vẫn không hủy bỏ.

Ngày 7 tháng 6, tìm thấy một thị trấn nhỏ ở miền Tây Tứ Xuyên cách đó tám trăm cây số trên bản đồ, Vệ Thành cuối cùng quyết định không thể tiếp tục chần chừ, chọn cách phá bỏ mọi rào cản một lần.

Anh chỉ muốn xem liệu có thật anh khiến người khác khó chịu đến vậy, và liệu khi rời xa anh, cô có thật sự tìm được nơi lý tưởng.

Từ sáng sớm khi trời chưa sáng đến khi màn đêm buông xuống, Vệ Thành không ăn một bữa nào, chỉ uống hết tám chai cà phê mua dọc đường.

Anh không thể lái xe một mạch đến Nghi Ba, giống như khi Chúc Kim Hạ vào núi, anh phải dừng lại nghỉ qua đêm tại một khách sạn nhỏ ở huyện lỵ — vào giờ này đến trường, mọi người đều đã nghỉ ngơi, anh không muốn trở thành kẻ khách không mời mà đến.

Dù anh biết rõ, dù thế nào anh cũng không thể được hoan nghênh.

Khách sạn không có điều kiện tốt, vào phòng là cảm giác ẩm thấp phả vào mặt. Vệ Thành đi gấp, chẳng mang theo gì, dây sạc điện thoại cũng phải mượn ở quầy lễ tân.

Suốt ngày dài lái xe, đường khó đi, độ cao so với mực nước biển lại lớn, cơ thể anh đã mệt mỏi không chịu nổi, nhưng không biết có phải do tám chai cà phê hay không, anh nằm trên giường vẫn không sao yên lòng.

Bao lâu rồi họ chưa gặp nhau?

Gần ba tháng rồi nhỉ.

Lần cuối cùng gặp nhau là ở bệnh viện, cô bị viêm dạ dày cấp tính, mặt trắng bệch truyền dịch, còn anh không hề tỏ ra tử tế, lời nào thốt ra cũng là lạnh nhạt.

Sau đó không biết bao nhiêu lần hồi tưởng lại đêm đó, Vệ Thành đều tự hỏi bản thân, rốt cuộc là vì sao mà anh lại hành xử như một kẻ mất kiểm soát như vậy.

Rõ ràng anh muốn cứu vãn cuộc hôn nhân của mình, nhưng dường như mỗi lời anh nói đều đẩy cô ra xa.

Trong đầu anh, những hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại, như thể đang duyệt lại một tài liệu Word, thỉnh thoảng thêm nhận xét vào bên lề, dù đã quá hạn chót, nhưng chẳng biết nộp bản chỉnh sửa này ở đâu.

Nhưng ngoài việc hồi tưởng quá khứ, Vệ Thành không biết mình có thể làm gì khác. Đầu óc anh như mất kiểm soát, không thể dừng lại, toàn là những mảnh ký ức vụn vặt.

Anh đã sống như thế này rất lâu, để nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, anh thậm chí phải uống thuốc an thần hoặc rượu trước khi ngủ. Thuốc khiến người ta mệt mỏi, rượu làm tê liệt cảm xúc, nhờ đó mà anh mới có thể ngủ được.

Đáng tiếc, chuyến đi này quá gấp, khi vào núi anh không mang theo rượu, đến huyện thì đã là nửa đêm, ở đây không có cửa hàng tiện lợi mở 24 giờ.

Mất đi trợ giúp từ thuốc ngủ, Vệ Thành cứ trở mình mãi cho đến khi trời rạng sáng mới mơ màng thiếp đi.

Chưa từng đến Tây Tạng, anh không biết đến ánh nắng gay gắt của cao nguyên. Trước khi ngủ quên kéo rèm, nên anh bị những tia nắng đầu tiên của buổi sớm đánh thức.

Ánh sáng chói lòa chiếu qua cửa sổ, cảm giác nóng rát từ chân lan dần lên mặt, gần như làm anh tỉnh dậy vì bị “nướng chín“.

Mở mắt ra, Vệ Thành khô khan cổ họng, đầu óc choáng váng. Phải mất nửa phút anh mới hoàn toàn tỉnh táo, nhớ ra mình đang ở đâu.

Cơ thể vẫn mệt mỏi, nhưng đầu óc thì bắt đầu hoạt động.

Anh quyết định dậy tắm rửa, dùng dao cạo râu dùng một lần trên bồn rửa mặt để tạm chỉnh trang bản thân, sau đó trả phòng rời đi.

Dưới khách sạn có một quán mì, Vệ Thành ăn một tô mì bò lớn mà chẳng cảm nhận được vị gì, rồi gọi thêm một xửng bánh bao, như thể muốn lấp đầy cái bụng rỗng cả ngày hôm qua.

Trước khi lên chiến trường, binh sĩ luôn cần ăn no, đúng không?

Nghĩ đến đây, anh tự giễu mình, có lẽ nơi anh sắp tới không phải chiến trường, mà là đoạn đầu đài.

Cuối cùng anh ngồi vào xe, nhập điểm đến vào GPS, nhắm mắt lại. Khi mở mắt ra, xe đã lăn bánh trên con đường dẫn đến trường Trung tâm Nghi Ba.

Con đường núi quanh co, uốn lượn, đến khoảng mười giờ rưỡi sáng, khi Vệ Thành nghĩ rằng con đường này sẽ kéo dài mãi giữa núi rừng và dòng sông, GPS bất ngờ thông báo rằng đã đến nơi.

Không kịp phanh xe, anh đã lướt qua trường học, vội vàng dừng gấp bên lề đường, từ gương chiếu hậu mới thấy rõ phía sau có một tòa nhà nhỏ bé, cổng trường xập xệ, biển hiệu loang lổ.

Nhìn lên, đúng là một ngôi trường.

Chữ viết cũ kỹ trên biển hiệu ghi: Trường Trung tâm Nghi Ba.

Vệ Thành chưa vội xuống xe, mở cửa sổ, châm một điếu thuốc.

Chỉ hút một hơi, điếu thuốc đã cháy gần hết trên tay, tro dài gần chạm vào ngón tay, anh mới nhớ đến hơi thứ hai.

Tai như nghe thấy giọng của Chúc Kim Hạ.

“Không được hút! Tôi ghét nhất mùi thuốc lá!

Anh ngừng lại, cuối cùng dập tắt điếu thuốc.

Thời trung học, xem nhiều phim “Cổ Hoặc Tử, anh tưởng nhầm sự non nớt thành trưởng thành, cũng tập tành hút thuốc. Sau này vào đại học, quen biết Chúc Kim Hạ, vì cô ghét mùi thuốc, anh liền dễ dàng bỏ thói quen này.

Trong gương chiếu hậu, Vệ Thành thần kinh căng thẳng nhìn chăm chú vào bản thân, lặp đi lặp lại, như muốn kiểm tra từng sợi tóc đều hoàn hảo. Nhưng những ngày qua, anh ăn không ngon, ngủ không yên, giảm gần ba mươi cân, quần áo trở nên lỏng lẻo, gương mặt hốc hác, hai má gầy sọp, bọng mắt thâm đen.

Nhìn không khác gì một người từ cõi chết trở về.

Anh cười tự giễu, Chúc Kim Hạ đã quyết tâm ra đi, dù anh có biến thành ngôi sao đẹp trai nhất, liệu cô sẽ ở lại?

Nếu cô thật sự nông cạn như thế, anh cũng chẳng cần phải khổ sở đến vậy, đi thẩm mỹ viện một lần là xong, không được thì đi vài lần.

Vệ Thành cố trấn tĩnh lại, lấy điện thoại, gọi đến số quen thuộc, nhưng hết lần này đến lần khác, không ai nghe máy.

Có lẽ cô đang dạy học.

Anh ngồi trong xe, cố giữ bình tĩnh, nhưng sự chờ đợi khiến anh lo lắng, không kiềm được lại châm thêm một điếu thuốc.

Ngoài cửa sổ xe, tàn thuốc rơi lả tả, cuối cùng anh cũng nghe thấy tiếng chuông báo hết giờ học.