Thời Tự kể về hai chuyện.

Năm tám tuổi, mẹ đưa anh đến huyện Nghi Ba.

Bà ấy là người nơi khác, không biết từ đâu nghe về trường trung tâm, biết hiệu trưởng ở đó tự bỏ tiền giúp đỡ trẻ mồ côi, bèn đưa Thời Tự đến xin giúp đỡ, vừa khóc vừa van xin, cuối cùng chú Vượng phá lệ nhận anh — một học sinh người Hán.

Thời Tự không có hồ sơ học sinh, cũng không có giấy tờ tùy thân. Trường không thu học phí, nhưng tiền ăn và chỗ ở đã có định mức, nên anh không thể ở nội trú. Vậy là mẹ anh thuê một căn nhà rách nát gần trường, mua một chiếc xe máy cũ kêu lọc xọc như sắp rã ra mỗi khi chạy.

Bà làm việc ở thị trấn vào ban ngày, buổi tối đến đón Thời Tự, ba bữa của anh đều ăn cùng với chú Vượng.

Khoảng nửa năm trôi qua, cho đến một ngày nọ, sau khi đưa Thời Tự đến trường, bà ấy để lại một phong bì cho người gác cổng, nhờ chuyển cho chú Vượng rồi biến mất.

Trong phong bì có tám trăm tệ, ngoài ra là một mẩu giấy với dòng chữ: “Ông là người tốt, tôi giao đứa trẻ lại cho ông.

Không có tên, cũng không để lại lời nào cho con trai. Người phụ nữ ấy đột ngột biến mất khỏi cuộc đời Thời Tự.

Chú Vượng là người đàn ông người Tạng, thô cứng cả đời, tìm kiếm khắp nơi nửa tháng trời mà không thấy tung tích bà ấy đâu. Nhà trọ đã trống không, nơi bà làm việc là một quán bar, nơi bà ấy hát vào ban đêm và làm thêm ở đó để trang trải qua ngày.

Ông chủ nói: “Nhìn bà ấy gầy như bộ xương, uống vài chai rượu là nôn thốc tháo trong nhà vệ sinh, tôi nào dám thuê lâu? Nhỡ có chuyện gì, tôi còn phải bồi thường.”

Người phụ nữ đã bị sa thải cả tuần, bà lang thang khắp thị trấn để hỏi việc, nhưng một là không có tay nghề, hai là thị trấn nhỏ đã kín chỗ, bà ấy mãi không tìm được việc làm.

Bà còn nuôi bản thân không nổi, làm sao nuôi con? Thế là bà bỏ đi một mạch.

Sau một vòng tìm kiếm vô ích, chú Vượng đối mặt với đứa trẻ bị bỏ rơi, đành đưa cho Thời Tự xem số tiền và mẩu giấy, lắc đầu nói: “Đành phải giữ lại thôi, cố gắng sống qua ngày vậy.”

Thế là Thời Tự chuyển vào ở trong ký túc xá của hiệu trưởng.

Lúc ấy chú Vượng vẫn còn một chút hy vọng, rằng biết đâu bà ấy ổn định lại, khi cuộc sống không còn quá túng quẫn, sẽ trở về đón con. Dù sao cũng là đứa con ruột thịt, sao có thể nói bỏ là bỏ?

Trước khi điều đó xảy ra, ông tạm thời chăm sóc giúp bà ấy, thêm một miệng ăn thôi mà.

Nhưng Thời Tự không nghĩ vậy, dù chỉ mới chín tuổi, cậu cũng hiểu rằng mẹ sẽ không quay lại.

Sáng hôm cuối cùng đưa cậu đi học, bà mặc cho cậu bộ đồ mới mua ở thị trấn, từ quần áo đến giày dép đều mới tinh, thậm chí cặp sách cũng là cặp mới. Họ ăn một tô mì nóng hổi ở đầu thị trấn, mẹ còn dịu dàng hỏi cậu có muốn uống sữa, có muốn ăn trứng không.

Cuối cùng bà lột vỏ trứng, đút cho cậu từng miếng nhỏ.

Đối với Thời Tự, những thứ này là bình thường với đứa trẻ khác, nhưng là điều xa xỉ với cậu, những thứ mà cậu có thể đếm được trên đầu ngón tay trong cuộc đời mình.

Vì vậy, khi biết mẹ rời đi, cậu chợt hiểu rằng buổi sáng khác thường ấy là giấc mơ đẹp mà bà để lại.

Giấc mơ chỉ có một lần, và giấc mơ nào rồi cũng phải tỉnh.

Thời Tự không có thời gian để đau buồn, vì còn nhiều lo lắng cấp bách hơn.

Trong phong bì mẹ để lại có tám trăm tệ, nhưng tám trăm tệ không đủ nuôi lớn một đứa trẻ — Thời Tự dù nhỏ tuổi, cũng tính được khoản này. Mỗi ngày cậu đều lo lắng rằng khi tám trăm tệ cạn, chú Vượng sẽ không cần cậu nữa.

“Vậy nên không dám ăn nhiều thịt, không dám mặc đồ mới, sợ rằng hết tiền thì không còn chỗ dựa. Thời Tự uống một ngụm rượu, nghĩ về bản thân ngày ấy mà cũng thấy buồn cười.

Thật ra từ lâu số tiền ấy đã hết rồi.

Chúc Kim Hạ bỗng nhớ lại lời Độn Chu.

— Chú Vượng chưa từng để cậu chịu đói, bữa nào cũng có cơm no, nhưng Thời Tự chỉ ăn cơm trắng, không động một miếng thịt.

— Đến tuổi dậy thì cao vọt, chú Vượng dẫn cậu đi mua quần áo mới, Thời Tự sống chết không chịu, áo quần chỗ nào cũng có miếng vá, vá mãi thêm được ba năm.

— Bút chì chưa bao giờ thiếu, nhưng cậu cứ nhặt những đầu bút bạn dùng dở, nối dài để dùng tiếp.

Thì ra quá khứ ấy có nguyên nhân. Độn Chu chỉ biết một phần, nhưng không biết phần còn lại.

Cô lặng người nghe câu chuyện dần dần khớp nối hoàn hảo, hồi lâu mới hỏi được một câu: “Khi nào thì anh biết rằng chú Vượng sẽ không bỏ anh?

“Một thời gian ngắn thôi. Năm sau ông tìm vài tấm gỗ, đóng cho tôi một chiếc giường nhỏ, đặt cạnh giường của ông. Cô biết đấy, ký túc xá hiệu trưởng nhỏ xíu, phòng ngủ chỉ đủ để kê một chiếc giường và một tủ quần áo, không còn chỗ cho gì khác. Để đặt được giường cho tôi, ông tháo tủ quần áo của mình ra, gấp đồ bỏ vào thùng giấy xếp dưới gầm giường.

Chúc Kim Hạ hỏi: “Vậy năm đầu tiên anh ngủ ở đâu?”

“Ở phòng khách. Khi đó tôi còn nhỏ,“ Thời Tự ngừng một chút, có chút ngại ngùng cười, “Sợ tối, sợ ma, thường xuyên gặp ác mộng, nửa đêm lại khóc tỉnh. Sau đó chú Vượng nghĩ đến chuyện đưa tôi vào phòng ngủ chung.”

Từ lúc đó, anh đã biết chú Vượng sẽ không bỏ rơi mình.

Sau này học toán, anh vốn là thiên tài, rất nhanh đã tính ra số tiền tám trăm đồng từ lâu đã hết sạch, nhưng chú Vượng chưa bao giờ nhắc đến.

“Biết rõ chú ấy sẽ không bỏ anh, sao anh vẫn tiết kiệm như thế?”

“Vì chú Vượng còn tiết kiệm hơn cả tôi.” Thời Tự điềm tĩnh đáp, “Từ khi tôi biết chuyện, chú ấy chưa bao giờ mua quần áo mới. Hỏi lý do, chú bảo, chú đâu như tôi mà còn lớn lên, quần áo cũ là được rồi.”

Đường đường là một hiệu trưởng, tốt nghiệp đại học về xây dựng quê hương, vậy mà còn sống khổ hơn cả những giáo viên khác.

Giáo viên ở vùng núi ít có ai biên chế, phần lớn người học xong đều chọn rời khỏi nơi này, ít ai chịu ở lại. Vùng núi không tuyển được người, đành phải tuyển từ xã hội, thế là ngoài số ít giáo viên có đào tạo chính quy, còn lại hầu hết là những người chưa tốt nghiệp cấp ba. Họ chỉ cần qua một kỳ thi sơ sài, biết đọc biết viết là đủ để dạy, miễn sao dạy được trẻ từ mù chữ thành biết chữ thì xem như hoàn thành nhiệm vụ của bậc tiểu học.

Các giáo viên không biên chế có mức lương rất thấp, chủ yếu là người dân ở các ngọn núi gần đó. Chú Vượng dù là hiệu trưởng, nhận lương cao hơn nhưng sống còn chật vật hơn họ.

Khi kể điều này, ánh mắt Thời Tự dừng lại trên chiếc lon rỗng, giọng anh bình thản.

Nhưng Chúc Kim Hạ lại thấy dấu vết từ những đốt ngón tay trắng bệch khi anh siết chặt chiếc lon bia.

Cô không nói gì, từ từ mở nắp một lon mới, nhẹ nhàng đặt bên cạnh anh, rồi rút lon đã bị bóp méo trong tay anh ra.

Thời Tự nhận lấy lon bia mới, tiếp tục kể câu chuyện thứ hai.

Trong những ký ức hiếm hoi trước tám tuổi, mẹ anh là một ca sĩ phòng trà. Khi đó các câu lạc bộ đêm rất thịnh hành, mẹ anh không nổi tiếng, chỉ là một người hát lót, hát đến khàn giọng, uống đến bất tỉnh, rồi nôn mửa mới đổi được một tờ tiền.

Nhưng phòng trà có quy định, tiền boa là của phòng trà, không liên quan đến bà.

Anh không biết cha mình là ai, từ nhỏ đã lớn lên trong các câu lạc bộ, nơi chưa kịp quen hết mặt người đã lại phải chuyển nơi khác. May mắn thay, những người phụ nữ trang điểm đậm ở đó đều đối xử tốt với anh, nhưng hầu hết đều say xỉn, không thể nói một câu hoàn chỉnh.

Ai mà biết, có thể họ say quá, tưởng anh là con của họ.

Đôi khi mẹ anh tỉnh táo, sẽ nhớ ra anh chưa ăn gì, cho anh vài đồng để ra ngoài tự mua thức ăn. Nhưng khi bà say, anh bị bà quên mất, hoặc có khi bà quên luôn rằng con người cần phải ăn.

Có lúc bà say đến mức không còn tỉnh táo, anh lay gọi, nhưng bà còn không nhớ ra anh là ai.

Cứ như thế, lớn lên trong cảnh khi đói khi no, Thời Tự trở nên trân quý lương thực một cách đặc biệt.

“Có hận bà không?”

“Hận chứ.” Thời Tự nói nhẹ bẫng, “Hận vì bà sống buông thả, hận vì bà sinh ra tôi mà không lo cho tôi, hận vì bà bỏ tôi mà không chọn một nơi tử tế hơn, lại bỏ tôi ở một nơi hoang vu, gà không gáy, chim không kêu.”

Những ký ức đau buồn được anh kể như một câu chuyện châm biếm.

“Nhưng sau này mới hiểu, đôi khi cuộc đời nó tệ bạc thế, chẳng có lựa chọn nào.”

Không phải cứ người tốt thì sẽ có quả ngọt, nếu không thì sao một người như chú Vượng lại mắc bệnh Alzheimer?

“Con đường không phải do bà chọn. Bà cũng chẳng muốn.”

Thời Tự hồi tưởng lại, tay cầm lon bia lại sắp cạn.

“Về sau tôi mới nhận ra, năm tám tuổi mẹ đưa tôi vào núi, bà hẳn đã bệnh, chỉ nửa năm mà gầy rộc như một bộ xương.”

Sao bà có thể không bệnh được? Từ khi anh biết nhận thức, bà chưa bao giờ tỉnh táo một ngày nào, ngày nào cũng phải hát, phải uống rượu, có khi ngủ lại chẳng biết ở đâu.

Cuộc sống hỗn loạn như vậy, sống thọ mới là chuyện lạ.

Cuối cùng, anh khẽ cười, “Nên cũng chẳng còn hận nữa, tôi còn chẳng nhớ nổi gương mặt bà trông thế nào, hà tất phải phí sức để hận?”

Chúc Kim Hạ ngồi đối diện, nhìn anh đăm đăm, muốn an ủi nhưng nửa ngày không nói được gì, cuối cùng mới nhớ ra điều gì đó.

“Anh từng nuôi mèo chưa?”

“Nuôi bản thân còn chưa xong, nuôi mèo cái gì?”

“…”

Chúc Kim Hạ: “Tôi nghe nói mèo nhà rất có tình cảm với chủ, đến lúc sắp chết, nó sẽ tìm góc nào đó ẩn mình, không muốn chủ nhân biết mình sắp ra đi.”

Thời Tự hiểu ý cô, nhưng lại hỏi: “Cô đem mẹ tôi ra so với mèo à?”

Chúc Kim Hạ vội giải thích, đang giải thích dở thì thấy anh cười, lúc đó cô mới nhận ra anh cố tình kiếm chuyện. Cô định nghiêm mặt mắng, nhưng nhìn Thời Tự lúc này, cô chỉ thấy như một đứa trẻ đáng thương, không đành lòng mà mắng mỏ.

Anh ghét rượu, không thích cảnh đèn mờ, men say.

Nhưng vì muốn xin thiết bị điện tử cho trẻ, anh vẫn uống, vẫn cúi chào. Giờ đây ngồi đối diện uống cùng cô thứ bia rẻ tiền này, chỉ nói là “lâu lâu một lần“.

Anh keo kiệt.

Chưa bao giờ tiêu pha hoang phí.

Nhưng từ khi cô đến đây dạy, những thứ nên hay không nên tiêu, anh chưa hề tiếc rẻ.

Lúc này, Chúc Kim Hạ chợt nhớ lại lời một giáo viên từng nói trong khóa sư phạm: Bản chất của giáo dục là gì? Là nuôi dưỡng con người.

“Cô chiếu ánh sáng thế nào, sẽ mọc lên cây thế ấy. Nếu ánh sáng yếu ớt và u tối, cây sẽ thấp bé, yếu ớt. Chỉ khi ánh sáng đủ mạnh mẽ, cây mới có thể vươn cao, tỏa bóng che phủ.

Giờ đây, cô đã hoàn toàn hiểu rõ ý nghĩa của câu nói đó, bởi dù chưa từng gặp mặt, từ Thời Tự, cô vẫn thấy được bóng dáng của chú Vượng.

Ánh sáng đó hẳn là phải rực rỡ thế nào mới có thể trồng nên một cây như thế này.

Cô rất muốn gặp chú Vượng, muốn biết nhiều hơn về Thời Tự, về từng chi tiết nhỏ nhặt của trường trung tâm. Ước gì đêm nay có thể kéo dài thêm, rượu nhiều thêm một chút, anh uống chậm hơn một chút, nói thêm nhiều chuyện hơn.

Cô có hàng ngàn câu hỏi, nhưng cuối cùng chẳng nói ra câu nào, anh kể đến đâu, cô lắng nghe đến đó.

Trên sân khấu, người ca sĩ vẫn hát một bài hát thật xưa:

Đêm đã khuya, còn ai nữa đâu

Để anh đếm vết thương sầu.

Sao mỗi lần trước khi ngủ lại muốn để đèn sáng,

Nếu anh không muốn nói, em cũng không hỏi đâu.

Nếu anh không muốn nói, em cũng không hỏi đâu.”