Những bài văn của lũ trẻ viết rất phong phú, nhưng trừ việc câu từ lủng củng, vấn đề lớn nhất chính là sự thiếu thốn về trí tưởng tượng.

Chúc Kim Hạ đã đưa ra một đề bài cho phép tự do sáng tạo, các em có thể trở thành bất cứ ai, thực hiện bất kỳ ước mơ hay ý tưởng nào trên trang giấy.

Nhưng những gì chúng viết lại là—

*Giả sử em có quần áo mới*

*Giả sử em sống ở thành phố*

*Giả sử em biết đi xe đạp*

Trong bài viết của các em, ước mơ xa vời nhất dường như là từ thị trấn nhỏ Di Ba này sang bờ bên kia sông Kim Sa, cách đó ba tiếng đi xe, tới được huyện lỵ.

Sau khi hỏi qua Thời Tự, Chúc Kim Hạ mới ngạc nhiên nhận ra rằng hầu như không có học sinh nào từng rời khỏi Di Ba—ngôi làng nhỏ mà trong mắt Tiểu San, chỉ cần tài xế nhấn mạnh ga là đã vụt qua.

“Từ khi sinh ra là luôn ở đây sao?

“Luôn ở đây.

“Đến huyện lỵ cũng chưa từng đi sao?

Chúc Kim Hạ hỏi đi hỏi lại, nhưng câu trả lời vẫn luôn là không.

“Sao không đi?

“Sao phải đi?

Thời Tự kể lại một câu chuyện vào đầu năm nay.

“Lớp sáu có hai đứa từng ra khỏi tỉnh. Sau Tết năm nay, vừa khai giảng, trường đối tác hỗ trợ giảm nghèo mời chúng tôi sang thăm. Tôi đưa hai đứa có thành tích tốt nhất đi Chiết Giang, cứ nghĩ cho chúng mở mang là chuyện tốt, nào ngờ về lại, điểm số tụt dốc không phanh.

Anh đưa tay xoa xoa trán.

“Người nghèo đột nhiên được thấy sự giàu có, không phải chuyện hay.

Trẻ con vẫn còn nhỏ, khi đối diện với một thế giới quá khác biệt mà chưa có khả năng thay đổi hoàn cảnh, chúng chỉ dễ dàng rơi vào cảm giác chênh lệch lớn lao, mất cân bằng tâm lý.

Nếu chuyện này xảy ra ở đại học, điều đầu tiên Chúc Kim Hạ sẽ quan tâm là liệu đã có tư vấn tâm lý chưa. Nhưng đây là vùng núi. Ở đây, ngay cả giáo dục phổ cập cũng phải bắt buộc mới thực hiện được, nói gì đến tư vấn tâm lý?

Những đứa trẻ chưa từng tới huyện lỵ, sinh ra và lớn lên ở vùng núi này, thậm chí chưa từng nhìn thấy xe đạp—đường núi hiểm trở, có dư thừa sức đâu mà đi xe đạp ở đây.

Thế nên ước mơ của chúng trở nên nhỏ bé:

Muốn có một chiếc xe đạp.

Muốn có một quả bóng rổ.

Muốn có một chiếc cặp sách.

Muốn một lần được đi đến huyện lỵ, ngắm nhìn thế giới bên ngoài.

Huyện lỵ nghèo khó ấy lại có thể trở thành “thế giới bên ngoài trong mắt những đứa trẻ…

Lúc này, Chúc Kim Hạ cuối cùng đã hiểu nỗi lo lắng của cô giáo A Bao, ngỡ rằng ngọn núi chỉ hạn chế miệng và chân của các em, nhưng thực chất là đôi mắt.

Miệng là khả năng biểu đạt.

Chân là phạm vi hoạt động.

Còn đôi mắt chính là tầm nhìn.

Tầm nhìn là yếu tố then chốt trong sự trưởng thành của một con người. Nó quyết định giới hạn của giáo dục, cũng quyết định biên giới tư duy.

Điều này khiến Chúc Kim Hạ nhớ đến một câu chuyện được nhà điện ảnh Kracauer đề cập trong *Bản chất của điện ảnh*: có một đạo diễn đã làm một đoạn phim ngắn cho người bản địa châu Phi xem, trong đó giới thiệu những nét phồn hoa của đô thị trong năm phút, trình bày những công nghệ và cuộc sống hiện đại mà họ chưa từng tiếp xúc, để xem phản ứng của họ ra sao. Không ngờ, sau khi bộ phim kết thúc, tất cả mọi người lại bàn tán về một con gà, trong khi đạo diễn thậm chí còn không nhận ra trong phim mình có xuất hiện gà.

Người bản địa thấy gì cũng lạ lẫm, nên không dám nói gì và cũng chẳng biết nói gì.

Cả lớp đều đắm mình trong sự mờ mịt, cho đến khi con gà xuất hiện. Con gà là thứ duy nhất mà họ quen thuộc. Và chỉ khi đối diện với những gì quen thuộc, con người mới có quyền nói lên suy nghĩ của mình.

Những ngọn núi đã che khuất tầm nhìn của lũ trẻ; thế giới bên ngoài núi non ấy, chúng không phải là không ao ước, mà là không biết ao ước ra sao, cũng chẳng biết tưởng tượng thế nào.

Chúc Kim Hạ ngẩn người đọc hết bài văn này đến bài văn khác. May thay, vẫn còn một bài giúp cô nhen lại hy vọng.

Bài viết ấy có tiêu đề: Giả sử em là Tần Thủy Hoàng. Mặc dù nội dung có phần kỳ quặc, câu cú cũng còn nhiều chỗ không mạch lạc, nhưng chí ít, nó đầy ắp trí tưởng tượng—

Mỗi người đều có mong muốn riêng, còn ước mơ của em thì đặc biệt và duy nhất, đó là trở thành Tần Thủy Hoàng.

Khi còn nhỏ, em từng muốn được như Hán Vũ Đế, văn võ song toàn, mưu lược kiệt xuất. Em cũng muốn như Đường Thái Tông, chọn dùng hiền tài, thi cử chọn quan, và muốn như Thanh Cao Tông Càn Long, vừa tài ba vừa đa tài. Nhưng em muốn giống nhất là Tần Thủy Hoàng: bạo ngược, hung ác, hô mưa gọi gió, không gì không thể làm.

Nếu em trở thành Tần Thủy Hoàng, em sẽ có quyền cai trị khắp cả nước. Ví dụ, nếu có ngôi làng nào đánh nhau, em sẽ nói: “Nếu các người còn đánh nhau, ta sẽ lấy lại lãnh thổ của các người. Nếu họ không nghe lời, em sẽ dẫn quân đi đánh tan tác, làm họ sợ tới mức không dám đánh nữa.

*(Chúc Kim Hạ: ...Đây là cách “lấy bạo trị bạo mà?) *

Thứ hai, em sẽ trọng dụng hiền tài, chọn quan qua thi cử. Ví dụ, nếu huyện trưởng hoặc xã trưởng nào tham lam, ức hiếp dân lành, em sẽ cách chức họ, rồi đày sang nước khác.

*(Chúc Kim Hạ: Đã hỏi xem ý kiến của nước khác chưa?) *

Nếu họ vẫn không hối cải, em sẽ chém đầu họ—dùng đao chặt đầu!

*(Chúc Kim Hạ: Hả???) *

Thứ ba, em sẽ dùng bạo lực của Tần Thủy Hoàng để làm tất cả mọi người đều khiếp sợ. Ví dụ, nếu ai đó giết người vô cớ, em sẽ tru di cửu tộc hắn. Không chỉ thế, em còn treo xác hắn lên tường thành, nướng cho đen thui như người châu Phi.

*(Chúc Kim Hạ: Hả????) *

...

Đọc đến cuối, Chúc Kim Hạ không nhịn được mà cười đến chảy nước mắt.

Tóm lại, cậu bé tên Đinh Chân Căn Giáp này đã dùng trí tưởng tượng phong phú và vốn kiến thức lịch sử hơn hẳn các bạn để viết nên một bài văn vừa đáng yêu vừa thoáng chút kinh dị.

Dù bài viết còn nhiều lỗi, nhưng cậu bé đã sử dụng không ít điển cố lịch sử và còn biết gọi tên các hoàng đế qua các triều đại.

Giữa buổi nghỉ trưa, Độn Chu tới xin trái cây, thấy Chúc Kim Hạ và Thời Tự bàn luận sôi nổi, liền lại gần hóng chuyện.

“Chắc là chép thôi?

Có lẽ vì trong bài văn có nhiều thành ngữ và điển cố vượt quá tầm hiểu biết của Độn Chu, nên anh ta gập cuốn vở lại rồi nói vậy.

Chúc Kim Hạ: “…

Chúc Kim Hạ: “Cần phải là trang web viết văn kiểu nào mới có thể cho ra một bài văn mẫu như thế để các em chép chứ?

Độn Chu liếc qua bài viết lần nữa: “Vậy là chép một đoạn, rồi thêm thắt. Bọn nhỏ bây giờ khôn lắm.

Thời Tự đáp: “Chúng còn không có điện thoại, anh nghĩ chúng chép ở đâu?

“Mượn giáo viên khác à?

Thời Tự vạch trần: “Ghen tị chỉ làm anh xấu xí thôi.

“Ghen tị? Ghen tị cái gì cơ? Ghen tị với chuyện cậu bé muốn nướng ai đó thành màu đen như người châu Phi chắc?

Độn Chu la lên, đang huyên thuyên thì Thời Tự bình thản hỏi: “Thanh Cao Tông là vị vua nào?

Giống như bị bóp nghẹt cổ, Độn Chu á khẩu.

Thời Tự đặt cốc xuống: “Đến đứa trẻ mười tuổi cũng biết nhiều hơn anh đấy.

Độn Chu tức tối gom cả đống táo đi ra.

Thời Tự gọi với theo: “Đừng chỉ ăn thôi, cũng đọc thêm sách đi.

Rồi chốt lại: “Thanh Cao Tông là Càn Long.

Buổi trưa yên tĩnh, Độn Chu giận dữ đóng sầm cửa.

Chúc Kim Hạ bật cười trước sự trẻ con của cả hai, rồi lại nhìn xuống cuốn vở, “...Tôi sẽ tới lớp một chuyến.

Thời Tự: “Tới lớp làm gì?

“Tôi muốn xem Đinh Chân Căn Giáp là đứa nào.

Mới dạy được vài hôm, Chúc Kim Hạ chưa nhớ hết tên của các em. Phần vì tên tiếng Tạng thường có bốn chữ, rất khó nhớ, phần vì quá nửa số học sinh trong lớp đều có chữ Đinh Chân, dễ nhầm lẫn.

Ban đầu cô còn tưởng đó là vì anh chàng Đinh Chân nổi tiếng, bố mẹ muốn “hưởng chút may mắn nên đặt tên vậy. Nhưng hỏi Thời Tự, cô mới biết người Tạng không có họ, chỉ có tên, và phần lớn tên trong làng Di Ba đều do các vị lạt ma ở đây đặt cho.

Ngày nào cũng đặt nhiều tên như vậy, có lẽ là đặt theo lô.

Dù chưa nhớ hết tên, cô vẫn có thể nhận mặt các em, chẳng hạn khi tập thể dục, cô chỉ cần nhìn là biết ai thuộc lớp mình.

Để nhận ra Đinh Chân Căn Giáp là đứa nào, cô đặc biệt mang cuốn vở chạy đến lớp.

Thời Tự cũng đi cùng.

Trong lớp năm, trên bàn của lũ trẻ đều có sách, mở trang đầu là thấy tên. Cô lật qua từng bàn, cuối cùng tìm thấy Đinh Chân Căn Giáp ở hàng thứ hai bên tay trái.

Chỉ nhìn bàn học thôi thì không thấy gì khác biệt. Cúi xuống, cô mới phát hiện trong ngăn bàn của cậu bé có một cuốn sách dày.

Chúc Kim Hạ lấy cuốn sách ra.

Đã lâu rồi cô không thấy cuốn sách nào dày như vậy. Sách bây giờ được thiết kế theo hướng tiện lợi, nếu vượt quá số trang quy định sẽ được đóng thành nhiều tập.

Nếu sách có tuổi tác, thì cuốn này chắc hẳn là một ông lão râu bạc phơ, bìa sách cùng vài trang đầu đã mất tiêu.

Trang đầu tiên của cuốn sách bắt đầu từ trang 19, từ trang 1 đến trang 18 đã không rõ tung tích.

Giấy đã ố vàng, góc trang quăn lại, nhìn qua cũng biết cuốn sách này đã được xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần.

Trang cô đang cầm trong tay viết về Hoàng Đế, nói về trí tuệ sâu sắc, khả năng phán đoán, nói về trận chiến trên cánh đồng Trác Lộc với Xi Vưu; nói về ông khai phá núi rừng, bình định thiên hạ.



Chúc Kim Hạ lật trang trong, phát hiện nhiều chỗ đã được gạch chân bằng bút ký đen, trong đó có cả Hán Vũ Đế văn võ song toàn, Đường Thái Tông trọng dụng hiền tài, và tất nhiên, cả Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế mà Đinh Chân Căn Giáp mong muốn trở thành.

Đây là một cuốn sách giới thiệu về các hoàng đế qua các triều đại của Trung Quốc, chứa đựng cả chính sử lẫn dã sử.

Quả nhiên Độn Chu đã đoán sai, Đinh Chân Căn Giáp không hề sao chép bài mẫu, bài văn là do cậu bé tự viết.

Chúc Kim Hạ cảm thấy vô cùng vui mừng, nhưng cô cũng không ngờ lại tìm thấy một cuốn sách như vậy ở đây. Không phải là vì học sinh lớp năm không nên đọc sách lịch sử, mà chỉ là trong hoàn cảnh thế này, có một đứa trẻ lại mê cuốn sách như thế là một điều kỳ diệu.

Việc cuốn sách xuất hiện ở đây đã là một phép màu.

Được đứa trẻ này trân trọng giữ gìn, ghi nhớ trong lòng, lại càng quý giá hơn.

Cô khép sách lại, đưa mắt nhìn quanh.

Trường trung tâm rất nghèo, bàn ghế cũ kỹ tróc sơn đến nỗi chẳng còn nhận ra màu gốc, trần nhà cũng có dấu vết thấm nước.

Giữa không gian đầy dấu tích cũ kỹ ấy, Chúc Kim Hạ bất chợt bật cười.

Thời Tự đứng ở cửa lớp, hỏi cô cười gì.

“Tôi cười mình đã đi một con đường hẹp, Chúc Kim Hạ nói, “Tôi cứ nghĩ chỉ có nhìn về phía trước mới là tốt, tôi nghĩ những ngọn núi này đã che khuất tầm mắt của bọn trẻ, khiến chúng tụt hậu so với trẻ em thành phố, tôi nghĩ điều kiện thiếu thốn sẽ khiến chúng khó lòng theo kịp.

Thời Tự không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn cô.

“Có lúc tôi nghĩ, khi không tiếp cận được với mạng internet, không thấy được thế giới bên ngoài, không có thiết bị dạy học tiên tiến nhất, thì chúng sẽ không thể học được.

“Nhưng anh xem, lịch sử là nhìn về quá khứ mà! Chúc Kim Hạ ôm cuốn sách cũ trong tay, bật cười thành tiếng. “Là tôi đã đi nhầm đường, để suy nghĩ trở nên hạn hẹp.

Thời Tự cũng cười nhẹ.

“Đi nhầm đường mà còn vui vậy à?

Vui chứ.

Vui đến quên cả mệt.

Tầm nhìn tất nhiên là quan trọng.

Nhưng ai bảo rằng phải thấy một thế giới đầy màu sắc, một thế giới công nghệ hiện đại mới là tầm nhìn rộng lớn?

Nhìn về quá khứ, dòng sông lịch sử và tri thức của nhân loại đã ở đó, và ngay cả những đứa trẻ ở vùng núi sâu thẳm cũng có thể hấp thu dưỡng chất phong phú nhất từ những trang sách ố vàng.

Quyết định một cái cây cao bao nhiêu là ánh mặt trời trên đỉnh, nhưng cho dù ánh sáng không đủ, chỉ cần rễ cắm sâu, dinh dưỡng từ đất cũng đủ giúp cây lớn mạnh, đứng vững trước phong ba.

Trên đường về ký túc xá, Chúc Kim Hạ mở ứng dụng sách trực tuyến, đặt hàng hàng loạt sách.

Thời Tự: “Trường có thư viện rồi, không cần cô phải mua đâu.

Anh ngừng một chút rồi nói tiếp, “Cô nghĩ tôi tiết kiệm là để tích tiền xây lâu đài Disneyland à?

“Thư viện là thư viện của trường. Chúc Kim Hạ phản bác, “Anh xem bọn trẻ có đứa nào đi mượn sách chưa?

Cô nói đúng, phòng đọc mà anh khó khăn lắm mới gây dựng lên quả thực chẳng mấy ai tới. Thời Tự im lặng một lúc, “Vậy cô nghĩ những cuốn sách cô mua sẽ có người mượn à?

“Đương nhiên rồi.

Thời Tự bật cười, “Chúc Kim Hạ, dáng vẻ tự tin của cô trông cũng dễ thương đấy.

“Ai tự tin chứ? Tôi đây gọi là trí tuệ! Chúc Kim Hạ lườm anh, “Tôi không cho mượn sách, tôi chỉ tặng sách thôi.

Thời Tự ngẩn người, thấy cô hào hứng nói.

“Hầu hết bọn trẻ ở đây chỉ đọc sách giáo khoa, nên ấn tượng về sách không thể tốt được. Anh để sách trong thư viện, tất nhiên chẳng ai đọc.

“Nhưng tặng chúng thì khác, đứa trẻ nào chẳng thích nhận quà?

“Mỗi tuần tôi sẽ giao một bài nhật ký, chọn ra ba bài viết hay nhất, mỗi đứa sẽ được thưởng một cuốn sách.

“Cô học qua tâm lý học à? Đưa vào cơ chế cạnh tranh trong phần thưởng có thể kích thích tối đa sự hứng thú của chúng đấy.

Chúc Kim Hạ thao thao bất tuyệt, Thời Tự chỉ hỏi một câu: “Vậy nếu tất cả đều viết không tốt thì sao?

“Thì chọn vài đứa viết nghiêm túc nhất, khen ngợi tiềm năng của chúng, lâu dần chúng cũng sẽ nghĩ mình là cao thủ viết văn thôi. Chúc Kim Hạ đắc ý nói, “Đây cũng là một dạng tâm lý học—

“Hiệu ứng Pygmalion.

Thời Tự nói trước cô.

Chúc Kim Hạ ngẩn ra, quay đầu lại, chạm phải ánh mắt sâu lắng của anh…

Cô chợt đập tay vào trán, bừng tỉnh.

“Xin lỗi, xin lỗi nhé, dạy học cho học sinh tiểu học lâu quá, suýt nữa thì quên là anh cũng học đại học rồi.

Thời Tự: “…