Nửa đêm, Đường Tú Oánh ôm lấy cổ phu quân, gối đầu lên vai hắn thở nhẹ.

Hắn tựa lưng vào đầu giường, vòng tay ôm nàng, ghé bên tai hỏi:“Vẫn không chịu bỏ cuộc, sau này còn muốn nữa không?

Giọng nói dịu dàng chưa từng có, hoàn toàn không còn dáng vẻ lạnh nhạt, hờ hững như thường ngày.

Đường Tú Oánh đến giờ vẫn nhớ rõ cơn đau thấu xương khi nãy.

Nàng đáp:“Sau này tất nhiên vẫn phải muốn, sớm ngày mang thai, mẫu thân sẽ sớm yên lòng. Thiếp biết lần đầu mới đau thôi, về sau sẽ không sao, thiếp thấy trong mấy bức tranh kia, họ còn trông có vẻ vui vẻ nữa là.

Nàng nói đến dĩ nhiên là mấy bức tranh hỏa đồ, tức là tranh xuân cung dạy nữ tử mới xuất giá cách hành phòng.

Tống Nhiên bật cười khẽ:“Nàng biết cũng nhiều quá nhỉ.

“Đó là đương nhiên. — bởi vì người nàng lấy khác người thường, nàng đâu thể chỉ ngồi đó e lệ chờ trượng phu chủ động.

Tống Nhiên im lặng hồi lâu, rồi chậm rãi hỏi:“Nàng có thấy tủi thân không? Có thấy mình số khổ, phải gả cho một kẻ tàn tật?

Có người đàn ông nào mà đến chuyện trên giường cũng bất lực như hắn?

Đường Tú Oánh đáp:“Cũng chẳng đến nỗi nào. Các người là bởi sinh ra đã cao quý, nên cảm thấy thứ này không tốt, thứ kia cũng không ổn.

“Nói như cha mẹ thiếp mất sớm, trong mắt các người ấy là mệnh bạc. Nhưng ở trấn thiếp, có không ít đứa nhỏ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, qua được mùa đông đã xem như mệnh lớn. Cha thiếp chí ít cũng để lại chút tiền bạc cho chị em thiếp. Lên kinh thành thật sự là sống dựa người khác, nhưng dù sao cũng còn có cô cô bằng lòng cưu mang. Nếu không thì, thiếp ngoài bán thân còn biết làm gì?

“Còn về chuyện gả cho chàng…

Lời này nói ra có phần ngại ngùng, nhưng nàng biết hắn cần nghe, nên gắng gượng mà nói:“Thật ra thiếp thấy cũng không tệ, lần đầu gặp chàng, thiếp giật mình... không ngờ chàng lại tuấn tú đến vậy.

“Chàng trẻ tuổi, dung mạo tuấn tú, tính tình cũng tốt, xuất thân hiển hách, mẫu thân cũng hiền lành. Chàng còn đọc nhiều sách, là một vị cử nhân... Nói chung, nếu không phải chàng bị thương, căn bản chẳng đến lượt thiếp. Nên thiếp thấy bây giờ rất ổn, sau này có con nữa thì càng tốt.

Một lúc sau Tống Nhiên mới đáp:“Nàng đúng là nghĩ thông suốt, biết tìm vui trong khổ.

Đường Tú Oánh không phục:“Không phải thiếp nghĩ thông, mà là chàng — loại công tử được nuôi lớn ở kinh thành — không hiểu. Như thiếp đây, trong mắt người quê cũ đã là phượng hoàng đậu cành cao rồi.

Tống Nhiên nhất thời không đáp được lời nào.

Nàng lại hỏi:“Mẫu thân có kể với chàng chuyện khi đi xem mắt năm ấy không?

Tống Nhiên lắc đầu.

Đường Tú Oánh cười nhìn hắn:“Hồi đó thiếp ngốc lắm, nghe nói có người tới kén dâu, vì muốn được chọn nên đặc biệt mượn cô cô phấn son trang sức, ngồi chải đầu trang điểm cả buổi, chỉ mong xinh đẹp một chút. Không ngờ lại trang điểm quá đậm, khiến mẫu thân thấy thiếp không phải hạng con gái đoan trang, không vừa ý, may mà muội muội khuyên bảo, mới gọi thiếp trở lại.

Tống Nhiên khẽ vuốt má nàng, cúi đầu hôn mạnh một cái.

Hắn bế nàng lên, kéo lại gần trước mặt.

“Làm gì vậy…

“Không phải nàng nói muốn sớm có hài tử sao?

“…

Sao bỗng dưng… hắn lại trở nên tích cực như vậy rồi?

Đường Tú Oánh có phần mệt, trong lòng cũng hơi sợ đau, nhưng nghĩ đến việc hiếm hoi Tống Nhiên chịu chủ động như vậy, nàng chẳng nỡ bỏ lỡ cơ hội, nên vẫn cố đáp ứng.



Trong phủ Quốc công, sáng sớm Chu Mạn Mạn đã sang viện của Tống Yên thăm hỏi.

Tống Yên hiện giờ đã không cần dậy sớm thỉnh an, việc trong nhà cũng ít đụng đến, lại hiếm khi ra ngoài, nên tin tức đều chậm hơn người khác.

Chu Mạn Mạn đến là để nói cho nàng hay: tối qua Ngụy Phù khóc lóc rồi bỏ đi.

Tống Yên lấy làm lạ, liền hỏi:“Sao lại thế?

Chu Mạn Mạn hỏi lại:“Sao lại thế mà tẩu không biết? Chuyện này…Nàng hạ giọng, nói nhỏ:“Chẳng phải là do taari bảo đại ca đi nói với nhị muội sao?

Tống Yên nhìn nàng:“Chuyện gì cơ?

Chu Mạn Mạn mới kể:“Hôm qua buổi chiều, đại ca nói nhị muội một trận, bảo nàng chớ nên cứ nói những chuyện triều chính vớ vẩn với bá mẫu, làm cho trong nhà xào xáo, còn trách nàng làm việc không thỏa đáng, quan hệ với nhà họ Niếp không thuận, chưa chắc không có lỗi từ phía nàng. Nhị muội bị chọc giận đến bật khóc, lập tức thu dọn hành lý bỏ đi, còn nói sau này sẽ không quay lại nữa. Đại ca xưa nay luôn ôn hòa, nên muội cứ tưởng là do tẩu sai huynh ấy đi nói chuyện.

Tống Yên vội vàng phủ nhận:“Ta đâu thể sắp đặt được chàng ấy như vậy.

Chu Mạn Mạn cảm khái:“Vậy thì huynh ấy đối với tẩu thật tốt. Sáng nay đại phu nhân còn ngồi than vãn với tam phu nhân, nói hai huynh muội xưa nay vốn thân thiết, giờ lại xảy ra mâu thuẫn lớn đến thế.

Lời này, tám phần là hàm ý trách Tống Yên — điều ấy không hiếm lạ gì, mẹ chồng nào có chuyện không vừa ý cũng hay đổ lên đầu nàng dâu, huống chi chuyện này thật sự có phần liên quan đến Tống Yên. Điều khiến Tống Yên bất ngờ là: mẹ chồng lại chỉ than thở với tam phu nhân, chứ không gọi nàng tới trách mắng một trận.

Có lẽ vì còn nể mặt Ngụy Kỳ ?

Chu Mạn Mạn tính tình thẳng thắn, giấu chuyện không nổi, nhưng dù sao cũng là chị em dâu cùng một phủ, lời ra tiếng vào không tiện nói quá nhiều. Tống Yên cũng chỉ biết theo mà rầu rĩ:“Phải đó, hôm qua đại gia chẳng nói gì với ta, ta còn tưởng chàng chỉ giải thích chuyện trong triều với mẫu thân, không ngờ còn nói cả với nhị muội.

“Nhưng dù gì cũng là huynh muội ruột, chắc lời của nhị muội cũng chỉ là giận dỗi nhất thời thôi, làm gì có chuyện thật sự không quay về nhà mẹ đẻ nữa.

Chu Mạn Mạn nói:“Cái đó khó nói lắm. Nhị muội tính tình cao ngạo, xem thử sau này đại ca có chịu cho nàng bậc thang để bước xuống không đã.

Nói rồi, nàng lại bổ sung:“Nhưng mà muội thấy có một câu đại ca nói cũng đúng, muội cũng thấy nhị muội sống ở nhà chồng không tốt, phần nhiều là do tự mình gây ra. Ban đầu đòi hủy hôn, về sau lại vẫn gả qua, người ta trong lòng dĩ nhiên chẳng vui vẻ gì. Nàng ấy lại cứ thường xuyên chạy về nhà mẹ đẻ, người ta càng thêm không vui.

Ngụy Phù xuất giá đã được năm năm, khi ấy Tống Yên còn chưa hề có liên hệ gì với phủ Trịnh Quốc công, những chuyện liên quan đều là sau này mới nghe kể lại.

Nghe nói, lúc Ngụy Phù bắt đầu bàn chuyện hôn nhân, đã chọn lựa kỹ càng, cuối cùng trúng ý nhà chồng hiện giờ — chính là nhà họ Niếp, phủ Ký Ninh hầu.

Hai bên đều là dòng dõi khai quốc công thần, môn đăng hộ đối, lại có giao tình từ đời trước. Vị hôn phu kia lại cũng xem như anh tuấn có dáng vẻ, thế là hôn sự được định đoạt.

Nào ngờ không lâu sau, phủ Ký Ninh hầu bị dính líu đến tà giáo dân gian “Hoàng Thiên giáo, khiến Thánh Thượng nổi giận, giáng tước một bậc, từ hầu xuống bá.

Ngụy Phù liền tỏ vẻ không hài lòng, đại phu nhân cũng thương con gái, bắt đầu do dự, thậm chí còn âm thầm tìm kiếm mối hôn khác, chuyện này cuối cùng lại bị nhà họ Niếp phát hiện.

Nhà họ Niếp vô cùng tức giận, tìm tới tận nơi nói lý lẽ, để đến tai Quốc công gia. Quốc công gia xấu hổ vô cùng, lập tức quyết định hôn sự này, còn trách mắng đại phu nhân một trận.

Đây chính là những trắc trở trước khi Ngụy Phù thành hôn, vốn đã khởi đầu chẳng suôn sẻ, hôn sự không thay đổi, nhưng hiển nhiên nhà họ Niếp trong lòng đã mang điều bất mãn.

Không lâu sau khi Ngụy Phù gả đi, lại xảy ra một chuyện khác — Ngụy Kỳ được phong làm Thượng thư Bộ Binh, nhập các.

Việc ấy khiến địa vị phủ Quốc công thăng tiến vùn vụt, từ một dòng dõi công thần đã sắp suy tàn trở thành quyền quý được kính nể. Còn nhà họ Niếp vẫn như cũ. Phu quân của Ngụy Phù là Niếp Văn Viễn, từng tham gia khoa cử nhưng dừng lại ở cấp Tú tài, nhờ vào ân điển tổ tiên mà được phong làm Hổ Bí Hiệu úy. Người không cầu tiến, cũng không ăn chơi trác táng, chỉ là một công tử dòng dõi tầm thường, không nổi bật cũng chẳng hư hỏng.

Ngụy Phù từ đó bắt đầu bất mãn, liền thúc ép phu quân cố gắng tiến thân, bắt hắn luyện cưỡi ngựa bắn tên để thi võ chức. Kết quả, phu quân nàng chẳng may bị trật mắt cá chân, nghe nói không thể hoàn toàn hồi phục, mỗi khi trời mưa âm u lại đau nhức, về sau cũng phải cẩn thận, tuyệt đối không được tái phát.

Ngụy Phù thấy chồng vô dụng, còn nhà họ Niếp thì cho rằng Ngụy Phù là kẻ gây họa, một người khỏe mạnh tốt lành mà bị nàng làm cho mang thương tật cả đời.

Còn những chuyện xích mích lặt vặt khác thì không kể tới, chuyện lớn gần đây nhất chính là việc Ngụy Phù nhiều năm chưa sinh nở, nhà họ Niếp liền “tiền trảm hậu tấu, nạp cho Niếp Văn Viễn một tiểu thiếp, hơn nữa người này rất nhanh đã mang thai.

Ngụy Phù nổi trận lôi đình, nhưng bản thân chậm mãi không có con, lý lẽ cũng chẳng đủ mạnh, chỉ đành ôm giận trong lòng, thường xuyên không báo trước mà quay về nhà mẹ đẻ. Nhà họ Niếp thế yếu, không so được với nhà họ Ngụy, nên cũng chỉ giả vờ không thấy, mắt nhắm mắt mở cho qua.

Tống Yên kỳ thực cũng đồng tình với Chu Mạn Mạn, việc nhà họ Niếp không thương lượng với Ngụy Phù mà đã nạp thiếp quả thực là sai. Nhưng giận dỗi thì vô ích, chẳng bằng ép nhà họ Niếp xin lỗi, sau đó lập quy ước ba điều, bàn bạc thêm điều kiện, cuối cùng đem đứa con của tiểu thiếp về mình nuôi dưỡng.

Dù sao thì nhà họ Niếp chỉ cần có con là đủ, nếu chính thất nguyện ý nuôi dưỡng, nhà họ càng vui mừng. Như nhị phu nhân kia, bao năm chỉ có một cô con gái, vậy mà vẫn có thể làm chủ trong phủ Quốc công, giờ lại còn mang thai nữa.

Chỉ là, Ngụy Phù vốn chẳng ưa nàng, nàng cũng không muốn bị nói là đứng sau bàn chuyện người khác, nên chỉ khẽ nói:“Chỉ mong muội ấy và muội phu sống yên ổn với nhau. Chẳng phải cũng đã tìm đại phu kê thuốc điều dưỡng rồi sao? Dưỡng tốt rồi, có con rồi thì chắc cũng không còn cãi vã nữa.

Chu Mạn Mạn nói:“Cái đó khó nói lắm. Muội cũng tìm vị đại phu đó khám rồi, ông ta nói muội không có vấn đề gì, bảo muội thả lỏng tâm tình, chờ đợi là được. Muội thì cũng nghĩ mình đã rất thả lỏng rồi, nhưng thả lỏng đâu phải là sẽ có thai!

Tống Yên nhịn không được bật cười:“Là do muội chưa đến lúc thôi. Ta nghe nói chuyện con cái cũng phải xem duyên số.

Chu Mạn Mạn đáp:“Dù sao thì muội cũng không vội. Mẫu thân sắp đến ngày sinh, sau còn phải ở cữ, chăm con nhỏ, không rảnh lo cho muội đâu.

Tống Yên cảm thán:“Ta thật bội phục muội nhìn đời thoáng như vậy. Ta lúc trước tới gần cuối năm mà vẫn không động tĩnh, còn định tìm đại phu khám xem sao.

Chu Mạn Mạn nói:“Tẩu thì khác chứ, đại ca tuổi lớn rồi, tất nhiên phải gấp.

Tống Yên: “…

Không thể phủ nhận, Chu Mạn Mạn nói cũng thật thà, nàng biết muội ấy không có ác ý, vốn chẳng định để bụng. Nhưng ngẫm một lúc vẫn nhịn không được mà đáp lại:“Làm gì có, ba mươi thì đã là lớn tuổi gì chứ, chẳng phải còn có người đến hai mươi bảy, hai mươi tám mới thành thân đó sao?

Chu Mạn Mạn lúc này mới nhận ra mình lỡ lời khiến Tống Yên không vui, liền vội nói:“Phải phải phải, không lớn tuổi chút nào, mà giờ tẩu cũng đã có rồi, đến khi sinh được tiểu công tử, đại ca với bá mẫu chắc mừng lắm.

Tống Yên bỗng thấy áp lực đè nặng — chuyện sinh con trai hay con gái, ai có thể đảm bảo được chứ?

Hai người trò chuyện dăm ba câu qua lại đến tận buổi chiều, thì Ngụy Kỳ trở về. Tống Yên lại hỏi đến chuyện của ca ca, mới biết Đô sát viện vẫn đang tiếp tục điều tra.

Ngụy Kỳ cũng thuận miệng nói mấy câu, đại khái là Đô sát viện cũng rất khó xử, bởi họ đâu có ngốc, đều nhìn ra sau chuyện này hẳn có người đứng sau chỉ đạo. Họ sợ đắc tội người khác, nên muốn cân nhắc kỹ càng rồi mới đưa ra kết luận. May thay, bất kể điều tra thế nào, thân phận cử nhân và thành tích môn Minh toán của Tống Nhiên đều là thật, cùng lắm chỉ có thể tính là được tuyển vượt cấp, không thể nói là tư tình.

Đúng lúc chuyện còn đang giằng co, thì Thái tử đệ — tức là Tấn vương điện hạ, con trai thứ hai của Hoàng thượng — lại đích thân ra mặt xin cho Tống Nhiên.

Nguyên nhân là, tuy Tấn vương là con thứ, nhưng lại là người được Hoàng thượng sủng ái nhất, từng có thời gian Hoàng thượng còn có ý định lập Tấn vương làm Thái tử, vượt qua trưởng tử. Nhưng vì trong triều có không ít đại thần phản đối, còn Lương vương là trưởng tử lại không phạm sai lầm lớn nào, không có lý do để phế trưởng lập thứ, cho nên chuyện này mãi không thể quyết định. Tuy vậy, Hoàng thượng vẫn giao cho Tấn vương chức Chỉ huy sứ Vũ Lâm vệ, quản lý cấm quân trong hoàng thành.

Mà trong Vũ Lâm vệ, Tấn vương lại tách ra một nhóm người, thành lập một đơn vị đặc biệt gọi là Thần Cơ doanh, chuyên nghiên cứu và chế tạo hỏa khí, chuẩn bị sau này thành lập một đội quân tinh nhuệ sử dụng hỏa khí. Gần đây, Thần Cơ doanh đang chế tạo một loại đại pháo mới, việc này tất nhiên do Ty quân khí thuộc Công bộ phụ trách.

Thế nhưng gần đây việc chế tạo pháo không tiến triển, Tấn vương bèn đích thân đến Công bộ xem xét. Từ Công bộ, đến Ty Ngự hành Thanh lại, rồi xuống tận Ty quân khí, từng tầng tra xét, mới biết được việc chế pháo cần đến lượng lớn phép toán, mà phần tính toán quan trọng lại do một tiểu lại ở phòng toán đảm nhận. Mà tiểu lại đó hiện đang bị đình chức, người mới thay vào lại không hiểu chuyên môn, dẫn đến việc chế pháo đình trệ. Mà người ấy, chính là Tống Nhiên.

Tấn vương nghe xong thì sốt ruột vô cùng, lập tức vào điện diện thánh, tâu rằng việc nghiên cứu pháo là trọng khí quốc phòng, sao có thể vì chuyện nhỏ mà làm trễ nải đại cục? Quan viên dù có tật ở chân, thậm chí là tử tù, nếu hữu dụng thì vẫn nên dùng. Hoàng thượng nghe nói việc liên quan đến việc chế tạo đại pháo, lập tức ra chỉ dụ khôi phục chức quan cho Tống Nhiên, hơn nữa còn điều hắn trực tiếp tới Ty quân khí, thăng một cấp, đảm nhiệm công việc nghiên cứu pháo.

Không chỉ vậy, Đỗ Thị lang còn được ban thưởng vì dám đề bạt người có tài.

Sau việc ấy, mẫu thân của Tống Yên cũng đích thân đến phủ Quốc công một chuyến, mang theo nhiều thuốc bổ và vải vóc dành cho trẻ nhỏ. Người gặp chuyện vui tinh thần sảng khoái, mấy ngày nay La thị luôn rạng rỡ hân hoan.

Đến cuối tháng Tư, bụng Tống Yên đã bắt đầu lộ rõ, còn nhị phu nhân cũng vừa hạ sinh, lại là một bé gái.

Nghe nói hôm nhị phu nhân sinh xong, vừa biết là con gái liền òa khóc ngay tại chỗ. Hai ngày sau cũng chẳng thiết cơm nước, uể oải không vui, giao con gái cho vú nuôi, bản thân thì chẳng hề đoái hoài đến việc bú mớm.