Tết Nguyên Tiêu, thành Đông Đô đèn hoa kết đầy, phố phường tấp nập. Vào đêm trăng tròn, các tửu lâu ở Đông Đô tổ chức cuộc thi giải đố đèn, phần thưởng trao giải từ lớn đến bé. Lớn thì một năm ăn uống miễn phí ở tửu lâu, phần quà bé hơn có thể là chiếc đèn lồng vừa giải được. Bao nhiêu đôi nam thanh nữ tú cùng nhau xuống đường, tiếng nói cười râm ran không dứt. Trước tửu lâu Hương Quán, tửu lâu lớn nhất ở Đông Đô đang diễn ra một màn thi gay cấn. Sĩ tử Lăng Hà Nhạc giải liên tục mười bốn câu đố đèn, ngang ngửa với Thám Hoa lang năm vừa rồi Trịnh Tây Sơn. Chỉ còn một câu hỏi nữa để phân thắng bại. Trịnh Tây Sơn là nhị thiếu gia Trịnh thị, sau khi đỗ Thám Hoa, hắn về quê để tang ông nội nên chưa thể ra kinh thành làm quan, tuy nhiên cũng chắc chắn sẽ có một chức quan sau này. Vì vậy, ở Đông Đô này, không ai là không nể phục hắn, chỉ cần thấy hắn sẽ lập tức tránh đường. Đâu ra một gã dám nghênh ngang, tự cao tự đại như vậy? Trịnh Tây Sơn cười bĩu môi: “Nghe nói ngươi là sĩ tử năm nay mới lên kinh dự thi, cũng phong phạm gớm nhỉ? Nhóm sĩ tử đứng sau lưng Trịnh Tây Sơn cười òa: “Trịnh Nhị lang à, ngài chấp gì thằng nhãi này. Người ta vẫn nói ngựa non háu đá đấy thôi. Người thích tỏ vẻ thì chắc chắn không làm nên trò trống. “Đúng đấy, đúng đấy. Tên Hà Nhạc này còn không có cả lộ phí đi đường. Hôm nay tới đây thi chắc là để ăn vạ xin tiền đấy. Đúng là vô liêm sỉ. Lăng Hà Nhạc chắp tay, bình tĩnh cúi đầu: “Tại hạ đúng là sĩ tử, vì phần thưởng của tửu lâu Hương Quán quá hấp dẫn nên mới mạn phép tới tranh tài. Chứ tại hạ không hề tỏ vẻ hay ngạo mạn trước mặt Trịnh Thám Hoa. Nhóm sĩ tử nghèo đứng sau lưng Lăng Hà Nhạc lại vô cùng ủng hộ: “Phải đấy, tửu lâu không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần là người có thể giải được câu đố thì chắc chắn có thưởng. Chẳng lẽ chỉ vì người thi là Trịnh Thám Hoa mà không ai được phép đối ứng sao? “Đúng thế, nghèo đâu phải là cái tội. Bọn ta không ăn trộm ăn cướp. Giành lấy phần thưởng bằng khả năng của mình thì có sao? Hai phe không ai nhịn ai, trước tửu lâu nhất thời vô cùng hỗn loạn. Lâu chủ đành phải bước ra, đưa tay giảng hòa: “Các vị, các vị bằng hữu xin hãy giữ bình tĩnh. “Như tửu lâu Hương Quán thông báo trước đó, người tham gia thi không phân biệt tầng lớp, không chê bai giàu nghèo, chỉ cần giải được mười lăm câu đố đèn của tửu lâu, chắc chắn sẽ nhận được một trăm nén bạc. Tiếng hoan hô vang lên không dứt. Lúc này, lâu chủ mới nói tiếp: “Hai vị ở đây đã bộc lộ tư chất hơn người, trình độ xuất chúng, mười bốn câu hỏi vừa rồi không làm khó được hai vị. Nhưng chỉ sợ câu hỏi thứ mười lăm không dễ chút nào đâu. Trịnh Tây Sơn gập cây quạt trong tay, cắt lời: “Đừng nhiều lời nữa ông chủ. Nhanh chóng đưa đề câu hỏi cuối cùng đi. Chúng ta giải nhanh còn tiếp tục chơi hội Nguyên Tiêu nữa. “Ha ha. Lâu chủ Hương Quán cười to. Ông ta đã ngoài tứ tuần, gương mặt phúc hậu và thân hình to lớn nổi bật giữa đám đông. Thấy không khí sục sôi như vậy, ông ta mới quyết định đưa câu hỏi cuối cùng. “Khác với mười bốn câu hỏi trước, câu hỏi thứ mười lăm sẽ do một kỳ nữ xứ Đông Đô đưa ra. Nàng ấy cũng là người chấm đáp án. Chỉ cần một trong hai vị đưa được đáp án phù hợp với nàng ấy, người đó sẽ là người chiến thắng trong đêm hội hôm nay, giành được phần thưởng lớn nhất của tửu lâu Hương Quán. Vừa nghe nói vậy, Trịnh Tây Sơn đã nhíu chặt mày, nhảy lên trên bục chĩa cây quạt về phía lâu chủ: “Khoan đã. Sao lại có luật lệ như thế được? Kỳ nữ đó là ai? Tài năng của nàng ta sánh được với đương kim Hoàng Hậu hay sao? Nàng ta đọc được bao nhiêu quyển sách, đi được bao xa mà dám đứng ra chấm điểm? Chẳng lẽ một Thám Hoa như ta còn không bằng một kỳ nữ ất ơ nào đó do ông mời tới à? Ta không đồng ý với luật chơi kiểu này. “Đúng, đúng đấy. Thế thì bất công quá. Nhỡ đâu kỳ nữ đó tài sơ học thiển, thích câu trả lời của gã sĩ tử nghèo kia thì sao? Không lẽ giải thưởng cũng trao cho người đó? Lâu chủ lại phải đưa tay lên trấn an quan khách thêm lần nữa, ông ta nhìn về phía lầu ba sáng đèn trên tửu lâu, cao giọng nói: “Kỳ nữ, cô có thể xuất hiện để mọi người ở đây tâm phục khẩu phục được không? Ánh mắt của mấy chục người trước cửa tửu lâu Hương Quán đồng loạt nhìn lên trên. Lầu ba của tửu lâu rất hiếm khi tiếp khách, chỉ những vị khách đặc biệt mới được tiếp đãi ở trên này. Mọi người còn đang tò mò không biết nữ tử đó là ai thì đã nghe được tiếng đàn tranh thánh thót vang lên và giọng hát như tiên nhân từ trên trời giáng xuống: “Nguyên Tiêu người hội đoán đèn, tiếng ca ai đó êm đềm bên sông. Có chăng rét lạnh ngày đông, cũng không xua được mênh mông nghĩa tình. Tiếng hát ngọt ngào lại vừa không kém phần da diết khiến cho cả đám người ngây ngẩn. Chúng sĩ tử ở đây không ít người từng dạo bước thanh lâu, bao nhiêu tài nữ tấu đàn nổi tiếng ở Đông Đô cũng đã từng thưởng thức. Nhưng họ vẫn vô thức cuốn theo lời hát của người kia, trước mắt như hiện ra một dòng sông êm đềm sóng nước, chiếc thuyền độc mộc chở ánh trăng lả lướt trôi qua. Cảnh tượng vừa mơ vừa thực khiến người ta muốn đắm chìm trong đó. Đột nhiên, một giọng nói kích động vang lên: “Là Tuệ Nương, có phải là Tuệ Nương không? “Cái gì??? Chẳng lẽ chính là nàng? Tuệ Nương danh bất hư truyền của Đông Đô. Vào ba năm trước, đại thi hào, Thái phó của Hoàng thượng Lý đại nhân có dịp tới Đông Đô. Trong một đêm đi thuyền hoa dạo mát, ngài được nghe một khúc Phượng cầu hoàng của một nữ tử ở bên sông. Tiếng ca được ngài không tiếc lời khen ngợi, còn xưng tụng không thua kém với kỳ nữ Diêu Hoa ở kinh thành. Tuệ Nương khi đó còn từng đối ẩm ngâm thơ với Lý đại nhân, hai thuyền hoa cách nhau vài trượng, những kiến giải của nàng về trị thủy cũng khiến cho Lý đại nhân học thêm nhiều điều mới. Sau khi quay về kinh, ngài vội vàng trình tấu lên Hoàng thượng, ý tưởng trị thủy đó nhanh chóng được áp dụng ở lưu vực Hoàng Giang. Hoàng thượng muốn khen thưởng cho tài nữ ngày đó. Nhưng quan phủ Đông Đô tìm kiếm mấy tháng trời, không ai biết được bất kỳ tin tức nào của tài nữ Tuệ Nương đêm đó, giống như nàng hoàn toàn bốc hơi khỏi nhân gian. Có người từng nói, một cô nương có giọng hát tuyệt vời như vậy, chắc chắn phải là kỳ nữ ở thanh lâu nào đó. Phải chăng nàng xấu hổ trước thân phận của mình nên mới không dám công khai, đứng ra nhận thưởng? Cũng có người nói, Tuệ Nương có phong phạm của ẩn sĩ lánh đời, không màng đến vinh hoa phú quý, cho nên mới lặng lẽ rời đi. Bao nhiêu tin đồn không ai biết thật giả, nhưng chỉ có một điều là sự thật, Hoàng thượng đã phong cho nàng là kỳ nữ Đông Đô, có phủ đệ riêng để bất cứ khi nào nàng cần đều có thể sử dụng. Đó là ân sủng mà ở thành trì này chưa một ai có được. Một kỳ nữ như thế chấm điểm cho Thám Hoa lang thì có xứng đáng không? Mấy người đứng đó đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đều có câu trả lời. Đáng chứ! Dĩ nhiên là đáng rồi! Quan trọng hơn là, rốt cuộc bọn họ cũng có cơ hội được nhìn thấy kỳ nữ vang bóng một thời rồi hay sao?